Sau 43 năm giải phóng, đặc biệt là sau 21 năm ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có nhiều đổi thay đáng kể. Năm 2017 là năm thứ 9 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số Việt Nam ICT Index. Thực tế cho thấy, ứng dụng công ghệ thông tin đã tạo nên sự khác biệt trong cách thức làm việc và vận hành của các cơ quan nhà nước tại thành phố Đà Nẵng, góp phần xây dựng một thành phố hiện đại, văn minh.


Hơn 1 năm qua, người dân và du khách khi đến Đà Nẵng rất hài lòng với hệ thống xe buýt lịch sự văn minh, đúng giờ ở khu vực nội thị. Từ chỗ không mấy ai đi, lượng khách đi xe buýt tăng dần. Lượng khách đi xe buýt đã tăng lên một phần do thành phố này ứng dụng việc tra cứu xe buýt bằng phầm mềm Danabus trên điện thoại di động (Android và iOS) tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Đà Nẵng cũng đã xây dựng và vận hành hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình.

Ông Lưu Thanh Tùng, Giám đốc Chi nhánh II, Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 tại Đà Nẵng, nhà đầu tư, vận hành hệ thống xe buýt nội thị Đà Nẵng cho biết, các thiết bị giám sát hành trình, thu thập các thông tin như vị trí, vận tốc, địa điểm, thời gian dự kiến đến trạm, lộ trình xe theo thời gian thực, cập nhật vị trí hiện tại trên bản đồ và thời gian đến trạm của các xe buýt… đã hỗ trợ cho việc quản lý, điều hành phục vụ hành khách.

“Các lộ trình kết nối tuyến trên Danabus được phần mềm Danabus này kết nối tuyến được toàn bộ các tuyến của Cocobay, TMF, 5 tuyến trợ giá nội đô và các tuyến đi Hội An kết hợp các dữ liệu của GPS hành trình. Chúng ta có thể thông báo cho khách hàng biết để người ta có thể tận dụng được thời gian và khoảng cách đi lại, tìm điểm, tìm xe nhanh hơn” – ông Tùng nói.
Đến cuối năm ngoái, Đà Nẵng đã lắp đặt 1.700 camera trên địa bàn thành phố, góp phần hỗ trợ các cơ quan an ninh thực hiện chức năng giám sát, bảo đảm an ninh trật tự. Hình ảnh thu được từ camera đã giúp cơ quan an ninh giải quyết nhiều vụ việc trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự, tai nạn giao thông… Đà Nẵng cũng đã triển khai hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và Trung tâm Quản lý và vận hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng. Hệ thống cho phép điều khiển đèn tín hiệu tại 64 nút giao thông, 100 camera giám sát tại hơn 50 điểm giao thông.

Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera giám sát giao thông giúp cơ quan chức năng thuận tiện hơn trong việc quản lý giám sát an toàn giao thông, người tham gia giao thông ý thức hơn trong việc chấp hành Luật Giao thông Đường bộ: “Từ khi Công an thành phố Đà Nẵng tổ chức công khai trên website của Công an thành phố để người dân tra cứu để biết ô tô mình điều khiển vi phạm những lỗi gì thì đến phòng Cảnh sát Giao thông để nộp phạt, giải quyết thủ tục hành chính liên quan. Hiện nay, số lượng người vi phạm qua hình ảnh camera tự giác đến phòng Cảnh sát giao thông ngày càng nhiều”.

Trong lĩnh vực môi trường, Đà Nẵng triển khai hệ thống Giám sát và cảnh báo sớm môi trường nước tại hồ Thạc Gián. Qua đó, phát hiện và cảnh báo các chỉ số ô nhiễm, hiện đang triển khai tiếp theo cho 8 hồ khác nhau trong thành phố. Đà Nẵng cũng đã triển khai trạm giám sát và cảnh báo sớm, tự động chất lượng nước tại nhà máy nước Cầu Đỏ.
Ông Nguyễn Hoài Đức, Phó Giám đốc Trung Tâm Vi mạch Đà Nẵng phân tích, các chỉ tiêu chất lượng nước được thu thập và phân tích bởi các thiết bị cảm biến và cung cấp các thông số theo thời gian thực về cơ quan quản lý: “Trạm quan trắc này được xây dựng dựa trên mô hình công nghệ internet của vạn vật. Những cái thiết bị cảm biến sẽ thu thập dữ liệu chất lượng môi trường nước. Sau đó dữ liệu đấy được xử lý thông qua những thiết bị điện tử tin học. Kết quả quan trắc được gửi về hệ thống phần mềm và server trung tâm để các cơ quan quản lý có thể theo dõi tình trạng ô nhiểm của ao, hồ, sông, biển. Việc vận hành sẽ phát huy tối đa tính chất tự động hóa. Toàn bộ thiết bị này được thả nổi trên môi trường sông nước, có hệ thống năng lượng mặt trời tự cung cấp điện”.
Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng (egov.danang.gov.vn). Đây là nền tảng tích hợp hàng loạt ứng dụng Chính quyền điện tử cốt lõi của thành phố như Hệ thống Một cửa điện tử; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống Góp ý; Hệ thống Quản lý cán bộ- công chức- viên chức; Hệ thống Quản lý nhân hộ khẩu, cùng các cơ sở dữ liệu nền tảng như: Cơ sở dữ liệu công dân, Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức; Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể…

Trong các ứng dụng của Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng, nổi bật là hệ thống Quản lý văn bản và điều hành dùng chung cho 215 đơn vị nhà nước sử dụng. Hệ thống này là nền tảng để nâng cao chất lượng, tốc độ xử lý công việc hành chính tại các cơ quan, tạo môi trường thuận lợi để ứng dụng văn bản điện tử, chữ ký số trong xử lý công việc thay cho văn bản giấy.

Một ứng dụng cốt lõi khác của hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng là phần mềm Một cửa điện tử dùng chung cho các sở ngành, quận, huyện, xã, phường, các đơn vị trực thuộc, cho phép quản lý việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả các thủ tục hành chính của thành phố Đà Nẵng.

Ông Trần Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết: “Người dân khi cần những vấn đề liên quan đến chính quyền hoặc là khi người dân cần có những thắc mắc thì thông qua số 1022 để tiếp cận với các dịch vụ công của các cơ quan nhà nước. Đồng thời người dân cũng có thể thống qua hệ thống này để gửi những ý kiến góp ý cũng như những sáng kiến của người dân đối với hệ thống chính quyền”.

Bên cạnh hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng, các cơ quan trong thành phố còn sử dụng hàng trăm phần mềm chuyên ngành, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan.

Với những thành công bước đầu, thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh việc xây dựng thành phố thông minh dựa trên nền tảng các ứng dụng chính quyền điện tử đã triển khai thành công trong nhiều năm qua. Phương châm xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng là “Đa đối tác – Một nền tảng – Một hạ tầng – Một chính sách – Đa ứng dụng”.

Thành phố Đà Nẵng có thể hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước, nhưng thực hiện xây dựng thành phố thông minh trên một nền tảng duy nhất, một cơ sở hạ tầng, một chính sách thống nhất. Từ đó, xây dựng đa dạng các ứng dụng, dịch vụ thông minh./.

( Nguồn VOV)