Travel blogger giúp người Sài Gòn ấm lòng mùa dịch
Hàng trăm tấn rau củ, hàng nghìn bữa cơm và nhiều việc ý nghĩa khác được các travel blogger sẻ chia đến bệnh viện dã chiến, khu phong tỏa Sài Gòn…
Rạng sáng,Travel blogger tranh thủ chợp mắt trên sàn nhà kho đôi phút, Lê Quang Long (29 tuổi) giật mình vì tiếng chuông điện thoại không dứt. Gọi lại số điện thoại của tài xế xe tải chở rau củ, Long nhận được câu trả lời “Anh bận rồi không đi được nữa đâu. Hôm qua tưởng đi 8-9 tấn hàng nên giá đó, giờ 15 tấn thì lên 2 triệu nữa em”. Lo cho số lượng lớn rau củ từ Đà Lạt về, Long cuống cuồng gọi biết bao người quen nhờ hỗ trợ. May mắn, một chủ xe đồng ý chở hàng cho nhóm với giá rẻ hơn, đưa rau kịp về Sài Gòn khi trời tối.
Là blogger du lịch, nhưng cũng là trưởng nhóm thiện nguyện “Những bước chân xanh”, Long cho biết mình không ngại bốc vác. Sau khi chạy xe lòng vòng đi phát quà, cả nhóm 8 người bốc dỡ hàng chục tấn rau, trong cơn mưa như trút ở Sài Gòn. Tới 1h sáng khi chỉ còn một tiếng xe tải phải di chuyển, hàng mới xếp được ba phần tư, các thành viên xuống sức, tay chân mỏi nhừ, Long gọi đó là “vỡ trận”. Nhưng tới sáng sớm hôm sau, từng gói thực phẩm của các mạnh thường quân lại được nhóm chuyển tới các bệnh viện dã chiến, khu phong tỏa, tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn, vẫn 8 con người ấy như không biết mệt mỏi.
Nhóm cũng tổ chức thêm quỹ “Bếp Sài Gòn”, để mỗi tối gửi 1.000 phần cơm tới những người vô gia cư, những hộ gia đình nghèo khó và cả những sinh viên kẹt ở vùng dịch. Có lần, Long gặp chị Thành, người phụ nữ nhặt ve chai cùng con 12 tuổi bị đuổi ra khỏi phòng trọ, ngay khi dịch bệnh đang căng thẳng. Nhận hộp thơm, chị vừa bón cho con vừa rơm rớm nước mắt. Ngày hôm sau cả nhóm đã tìm được một phòng trọ còn trống nhưng 4 ngày liên tục đi tìm không thấy không thấy hai mẹ con chị Thành đâu, vì họ di chuyển liên tục lại không có điện thoại. Đến ngày thứ 5, cả nhóm vỡ òa niềm vui khi gặp lại chị, đưa đi xét nghiệm SARS-CoV-2 và chuyển nhà thành công.
“Tuổi trẻ đã ngao du bốn phương, trở về với Sài Gòn trong những ngày mùa hè nắng mưa bất chợt, lặng lẽ, u buồn và nguy khó. Mình sẽ cố gắng ghi lại những ngày thật đẹp về thành phố và cũng dùng 200% sức lực để không ai bỏ lại phía sau”, Long ồm ồm nói sau lớp khẩu trang ướt mưa che kín nửa khuôn mặt.
Không chỉ Quang Long, một blogger du lịch nổi tiếng của Sài Gòn nhiều ngày bận bịu từ 5h sáng đến 12h đêm, vừa ghi lại phóng sự những ngày chống dịch, vừa tranh thủ bốc vác, phát quà cho người khó khăn.
“Chúng ta có công việc để làm, có điều kiện để xoay sở trong đại dịch nhưng với người nghèo, người vô gia cư thì không. Mình không có quá nhiều tiền nhưng có thể góp sức lực, giống bao người trẻ khác của thành phố vẫn âm thầm đóng góp. Tất cả đoàn kết chung tay làm mình vui lắm”, anh cười và nói.
Có những ngày anh đăng ký làm tình nguyện viên của nhóm “Bánh mì Sài Gòn”, trao tận tay hàng nghìn ổ bánh mì kẹp và nước tới những người vô gia cư. Phần lớn nhóm đều phải đi buổi tối lúc 7-12h khi người vô gia cư đã ở yên chỗ ngủ. Hay những ngày khác lại làm tình nguyện viên của “Áo ấm biên cương”, dành những phần quà như gạo, nước mắm, nước tương tới những công nhân đang bị cách ly trong nhà máy, khu phong tỏa.
Có lần khi đi phát quà, thấy 2 bạn trẻ mặc đồ bảo hộ kín mít đang chở những thùng cơm mới nấu và gửi cho người nghèo qua một cây gậy. Hỏi ra mới biết nhóm của họ có 3 người, là bảo vệ thất nghiệp vì công ty đóng cửa nhưng kêu gọi được quỹ nên hàng ngày nấu cơm, đợi đến tối đi phát, bất kể những ngày mưa lớn. Anh chạy xe máy kịp chụp ảnh, hy vọng có thể chia sẻ những hình ảnh đẹp về tình người, trong những ngày thành phố nguy khó.
Không thể trực tiếp tham gia các hội nhóm tình nguyện, travel blogger như Kỳ Anh cũng tận dụng số người theo dõi, khả năng chụp ảnh để làm “Từ thiện qua mạng xã hội”. Trước ngày thành phố giãn cách, mỗi lần tan ca hay tối muộn, anh lại tranh thủ đi chụp bộ ảnh “Thương lắm Sài Gòn ơi”, về những hoàn cảnh khó khăn mà bạn bè hay đội tình nguyện chia sẻ.
Mỗi câu chuyện mà anh đăng tải nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều nhân vật đã được mạnh thường quân giúp đỡ. Trong đó có ông Ninh (70 tuổi), người khuyết tật một chân phải bán vé số nuôi con bị bại não, với mong ước có chiếc xe lăn. Hay lần khác là ông Diên (80 tuổi), người làm nghề chụp ảnh lấy luôn ở nhà thờ Đức Bà đã được nhiều người biết đến hơn và tìm được nhà trọ tốt hơn.
Kỳ Anh cho biết, bộ ảnh xuất phát từ một lần anh gặp người bán kẹo mạch nha trên đường về, sau khi trò chuyện và chụp ảnh, anh đã ủng hộ cô một số tiền nhỏ. “Làm được điều ấy rồi mình thấy rất vui. Mình có tấm lòng và ống kính sẽ giúp lan tỏa các câu chuyện rộng rãi, để người khó khăn được giúp đỡ kịp thời”, Kỳ Anh nói. Anh cho biết sau khi thành phố hết giãn cách, anh sẽ tiếp tục làm việc mình yêu thích, bằng hình thức video, để tâm tư của nhân vật chạm đến cảm xúc của người xem.
Lan Hương