Doanh nghiệp du lịch sẵn sàng hoạt động trở lại
Các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam đều đã có kế hoạch hoạt động sau thời gian dài đóng cửa vì Covid-19, đồng thời chờ những hỗ trợ để sớm vượt qua khó khăn.
Chính sách kích cầu, phục hồi du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới ban hành và chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) vừa được Chính phủ đồng ý… được xem là động thái tích cực với ngành du lịch và hàng chục nghìn doanh nghiệp đang trải qua thời kỳ ảm đạm.
Luôn ở tư thế sẵn sàng
Đại diện Tập đoàn Sun Group kỳ vọng vào sự “hồi sinh” của ngành du lịch, khi kế hoạch mở cửa trở lại được Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các Bộ, ngành liên quan thực hiện một cách thận trọng từng giai đoạn, với những lộ trình và phương pháp được cân nhắc kỹ lưỡng.
Thời gian qua, các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn của tập đoàn không thể đón khách. Nhận định những khó khăn, thách thức do dịch bệnh là điều không thể tránh được, vị đại diện vẫn khẳng định luôn sẵn sàng về tâm thế, chiến lược để không bị động, nao núng.
Hiện tại, ngoài việc đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ và các địa phương chống dịch, tập đoàn dành thời gian để xây dựng, sửa chữa cho toàn bộ các công trình khách sạn, khu vui chơi giải trí trên cả nước. Đồng thời tập đoàn cũng chuẩn bị những sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn và nâng cao chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường các biện pháp phòng dịch ở cấp độ cao hơn.
Sun Group cũng chú trọng liên kết với các đối tác lĩnh vực khác như hàng không, vận tải, nền tảng số và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm điểm đến để đón đầu thị trường quốc tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời doanh nghiệp đang triển khai công nghệ thông tin để nâng cấp trải nghiệm khách hàng, cụ thể là xu hướng thao tác “không chạm, một chạm”.
Là một trong những doanh nghiệp lữ hành uy tín tại Việt Nam, Vietravel cũng đã chuẩn bị các kịch bản chi tiết về việc phục hồi để khi Chính phủ và ngành Du lịch thống nhất phương án, có văn bản hướng dẫn cụ thể, thì doanh nghiệp có thể kích hoạt trở lại ngay.
Phó tổng giám đốc công ty, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, cho biết ngoài phục vụ khách Việt Nam đi du lịch trong nước, đối với mảng Inbound, công ty sẽ triển khai mạnh việc đón các chuyên gia, Việt kiều hồi hương, khách quốc tế thuộc vùng xanh… hội đủ điều kiện nhập cảnh theo quy định của Chính phủ Việt Nam.
Công ty sẽ phối hợp với các tỉnh, thành được phép đón khách để xây dựng bộ sản phẩm khép kín trong nội tỉnh. Thời gian qua, công ty tái đào tạo đội ngũ nhân sự cũng như đảm bảo tiêm đủ liều vaccine cho toàn hệ thống để đảm bảo an toàn. Các sản phẩm du lịch sắp tới sẽ phù hợp với xu hướng hậu Covid-19 như gần gũi thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, golf... Khi Việt Nam mở cửa trở lại với khách quốc tế, công ty sẽ phối hợp cùng đối tác nhà hàng, khách sạn xây dựng các sản phẩm du lịch có giá cạnh tranh với các đảo du lịch trong khu vực như Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia)…
Hãng hàng không Vietravel Airlines đã có giấy phép bay quốc tế. Khi công tác đón khách được thông qua, hãng kỳ vọng thực hiện những chuyến bay thuê bao với mức giá kích cầu.
Luôn trong tâm thế kích hoạt ngay sau mỗi đợt dịch được kiểm soát, từ đầu năm 2021, Oxalis (Quảng Bình) – đơn vị duy nhất được cấp phép khai thác tour tới Sơn Đoòng – đã xây dựng kế hoạch, để có thể là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đáp ứng được yêu cầu về an toàn Covid-19.
Tới nay, 80% nhân viên của công ty đã tiêm đủ liều vaccine, 20% còn lại đã tiêm mũi đầu tiên. Ngoài ra, công ty cũng triển khai tiêm vaccine đối với toàn bộ chuỗi cung ứng như porter, nhà xe, khách sạn, nhà hàng… để tạo thành chuỗi liên kết an toàn phục vụ khách hàng.
Giữa năm nay, công ty cũng kiến nghị cơ quan quản lý về du lịch trình HĐND tỉnh Quảng Bình phê duyệt giảm mức phí tham quan các danh lam, thắng cảnh trong năm 2022. Cuối tháng 8, quyết định được thông qua, tỉnh Quảng Bình giảm giá 50% mức phí với các sản phẩm du lịch mạo hiểm mà Oxalis đang khai thác. Đây cũng là cơ sở để công ty triển khai gói kích cầu mới cho năm 2022, với mức giảm trung bình 10-20%. Hiện nay, tour thám hiểm Sơn Đoòng năm sau đã có số lượng khách đăng ký gần 600 người, đạt gần 60% số lượng khách được cấp phép.
Đề xuất hỗ trợ từ doanh nghiệp du lịch
Song song với việc sẵn sàng mở cửa trở lại, các doanh nghiệp du lịch cũng có nhiều mong muốn được hỗ trợ, đặc biệt về tài chính. Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho biết kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc là một tín hiệu tốt của ngành du lịch. Tuy nhiên ông đề xuất cần có kế hoạch và lộ trình tổng thể trong thời gian sớm nhất để doanh nghiệp không gặp khó khăn trong việc xúc tiến sản phẩm với đối tác và khách nước ngoài. Bên cạnh thông tin về quy trình đón khách, thì nội dung sản phẩm và giá cả cũng là điều họ quan tâm.
“Tháng 10 bắt đầu mùa cao điểm du lịch khách quốc tế nhưng không phải mở cửa là sẽ có khách. Việc xúc tiến cần thực hiện sớm nhất để thu hút họ quay trở lại”, ông nói. Thông qua việc nghiên cứu hành vi tiêu dùng của khách hàng, công ty cho biết Phú Quốc, Mũi Né, Vũng Tàu của Việt Nam vẫn là những điểm đến được du khách yêu thích, đặc biệt với thị trường châu Âu. Ông Hà cho biết châu Âu là thị trường tiềm năng, với lượng khách có nhu cầu du lịch lớn và khả năng chi trả cao. Ngoài ra các thị trường gần như Singapore, Hàn Quốc cũng cần được xúc tiến.
Ông Hà nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp du lịch hiện nay là nguồn vốn và nhân lực. Đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư, dù kiên cường, các doanh nghiệp cũng đã cạn kiệt dòng tiền. Vì vậy các chính sách từ ngân hàng như cho vay bổ sung vốn, khoanh nợ, giảm lãi suất, giảm thuế phí, hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho người lao động… là “liều thuốc” tốt nhất lúc này.
Trong dịch Covid-19, khoảng 95% doanh nghiệp quốc tế đã đóng cửa và hàng chục nghìn lao động trong ngành du lịch chuyển sang lĩnh vực khác. Vì vậy ông Hà lo ngại việc du lịch sẽ thiếu hụt các sản phẩm cao cấp, chất lượng nếu thiếu nhân lực có năng lực.
Tương tự, đại diện Tập đoàn Sun Group thấu hiểu những nỗ lực của Chính phủ, dù vậy doanh nghiệp vẫn rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa từ Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương. Trong đó, việc ưu tiên và thúc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng là điều quan trọng trong chiến lược của các địa phương như Đà Nẵng, Phú Quốc, Huế, Hội An, Hạ Long, Nha Trang, Sa Pa, Đà Lạt... Đây là cơ sở then chốt để có thể mở cửa trở lại du lịch trong nước và hiện thực hóa kế hoạch thí điểm “hộ chiếu vaccine” đối với thị trường quốc tế tại Phú Quốc. Đây cũng là cơ sở để tiến tới những kế hoạch xa hơn trong tương lai, có thể giúp ngành du lịch từng bước phục hồi mạnh mẽ sau dịch.
Sau cùng, sự mong mỏi chung của các doanh nghiệp là những chính sách hỗ trợ kịp thời, nhất là về tài chính để tháo gỡ những khó khăn về dòng tiền và có nguồn vốn đầu tư mạnh trở lại sau khi dịch được khống chế. Ngoài ra, những chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất… cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 cũng nên được lưu tâm.
( Nguồn Vnexpress )