Du Lịch Thanh Hóa dần thoát cảnh ‘độc canh mùa vụ’
Sự xuất hiện của các ông lớn với những hệ sinh thái tỷ USD đang mở ra cơ hội du lịch 4 mùa nhiều triển vọng cho Thanh Hóa.
Bức tranh du lịch Thanh Hóa xưa và nay
Mùa hè năm 1989, để chuẩn bị cho một mùa “tắm biển Sầm Sơn” mới, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa mà người đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy Lê Huy Ngọ đã quyết định tổ chức “Hội chợ Sầm Sơn”, sự kiện chưa từng có tại xứ Thanh. Không chỉ Sầm Sơn, mà cả tỉnh Thanh Hoá lúc đó vui như ngày hội. Cũng năm đó, sự kiện đình đám không kém là cuộc thi “Người đẹp Sầm Sơn 89” cũng diễn ra.
Hai sự kiện mới mẻ đã tạo “cú hích” cho du lịch Thanh Hóa lúc bấy giờ. Không đủ chỗ để khách nghỉ ngơi, thị xã dùng cả trường học làm nhà nghỉ. Suốt 3 tháng hè, trường học được sắp đặt lại để… có phòng cho khách thuê. Đến Sầm Sơn chỉ có tắm, vui chơi hầu như không có gì ngoài việc ra bãi biển, lên hòn Trống Mái chụp ảnh. Để hấp dẫn khách du lịch, một số người dân Sầm Sơn lên tận Lào Cai, Yên Bái mua ngựa trắng mang về, dùng màu để biến hình thành ngựa vằn châu Phi đưa ra bãi biển và hòn Trống Mái để khách du lịch chụp lưu niệm. Những bức hình với chú “ngựa vằn châu Phi” trở thành sản phẩm du lịch “không thể bỏ qua” của du khách khi đến Sầm Sơn trong suốt thời gian dài.
Với sản phẩm du lịch đặc trưng đó, Thanh Hoá cũng từng được xem là địa phương biết làm du lịch sớm của cả nước. Dù vậy, theo thời gian, nhu cầu du khách mỗi khác, những chú ngựa vằn cũng thành quá vãng, Sầm Sơn cứ thế – đơn giản chỉ là bãi biển miền Trung đến tắm rồi về. Địa thế có cả núi, biển, vị trí cửa ngõ của Bắc miền Trung, tỉnh Thanh Hoá có nhiều tiềm năng phát triển ngành kinh tế không khói với bất cứ các địa phương nào, song tỉnh vẫn thiếu nhiều dịch vụ níu chân du khách. Nguồn thu du lịch, cả tỉnh trông chờ vào Sầm Sơn trong vài tháng hè, và sau đó thị xã ven biển này lại “ngủ đông” những tháng còn lại trong năm.
Những năm gần đây, nhất là sau năm “Du lịch quốc gia Thanh Hóa 2015”, bức tranh du lịch thành phố có chút cải thiện nhưng thế “độc canh mùa vụ” vẫn ngự trị. Tăng trưởng du lịch ở xứ Thanh chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương này.
Tương lai của du lịch 4 mùa
Nói về định hướng phát triển du lịch Thanh Hóa, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, Đà Nẵng, Quảng Ninh hay Phú Quốc đã cho thấy cách “lột xác” ngoạn mục của hạ tầng kinh tế – du lịch phát triển đồng bộ, liên tục được làm mới với các hoạt động văn hóa giải trí… cốt lõi là thu hút được những doanh nghiệp đủ năng lực.
“Tôi muốn nói đến Tập đoàn kinh tế như Sun Group, Vingroup…, đến những gì họ đã và đang làm ở Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang và Phú Quốc. Phát triển du lịch phải liên kết chuỗi du lịch và chuỗi kết nối ngành. Cách tiếp cận này phải nằm trong ý tưởng quy hoạch phát triển của Thanh Hóa”, ông cho biết.
Quyết tâm đưa du lịch đột phá, những năm gần đây, Thanh Hóa đã đón “đại bàng về làm tổ” với những chiến lược đồng bộ, trong đó có Sun Group, tập đoàn từng giúp du lịch Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long… thay đổi diện mạo.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi, Sun Group đầu tư rất nhiều dự án lớn như quảng trường biển Sầm Sơn, dự án hồ Bến En, dự án khoáng nóng Quảng Yên. Mùa hè 2021 vừa qua, Sun Group phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức chuỗi sự kiện lớn tại Sầm Sơn. Đây là một dấu ấn lịch sử chưa từng thấy, là sự phối hợp chặt chẽ với tỉnh và sẽ thu hút nhiều du khách đến với Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung…
Năm 2020, Sun Group cũng khởi công xây dựng dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí với mức đầu tư 25.000 tỷ đồng (1 tỷ USD).
Tại đây, tương lai không xa sẽ diễn ra các hoạt động lễ hội, vui chơi, giải trí, mua sắm, nghỉ dưỡng… mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế suốt 4 mùa trong năm. Cụ thể, Sun Group sẽ phát triển một tổ hợp dự án quy mô 1.260 ha tại Sầm Sơn, bao gồm nhiều dự án và công trình như Sun Grand Boulevard (69,9 ha), tổ hợp vui chơi giải trí Sun World (33,6ha), khu đô thị Sun Riverside Village (29 ha) và nhiều dự án khác…
Trong đó, khu đô thị phức hợp Sun Grand Boulevard với trái tim là quảng trường biển rộng 2 ha, sức chứa hơn 10.000 người và trục đại lộ dài 2,6 km, rộng 120 mét sẽ trở thành trung tâm du lịch – giải trí – kinh doanh thương mại – nghỉ dưỡng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của hàng triệu lượt khách đổ về Sầm Sơn mỗi năm.
“Với hạ tầng du lịch – nghỉ dưỡng đồng bộ, quy mô mà Sun Group phát triển tại Sầm Sơn, chắc chắn rằng nguồn kinh tế đêm dồi dào tại Sầm Sơn sẽ được kích hoạt, với những trải nghiệm hấp dẫn từ tắm biển, shopping, các lễ hội, carnival rực rỡ sắc màu 24/7”, đại diện Sun Group cho biết.
Bên cạnh Sầm Sơn, tương lai của du lịch Thanh Hóa sẽ còn rộng mở với các dự án tiếp theo của Sun Group, với mục tiêu biến Thanh Hóa thành điểm đến du lịch 4 mùa. Đó là một khu nghỉ dưỡng phong cách Nhật Bản biến Quảng Xương thành thiên đường nghỉ dưỡng khoáng nóng, hay đánh thức vẻ đẹp của vườn quốc gia Bến En, “Vịnh Hạ Long trên cạn” của xứ Thanh… Chủ đầu tư Sun Group cũng kỳ vọng những công trình này sẽ giúp Thanh Hóa thoát khỏi khái niệm mùa tắm biển Sầm Sơn”, mở ra một thời kỳ mới cho du lịch địa phương.