Cảnh Sắc Phú Yên qua các ống kính.

Phú Yên với : Đảo Nhất Tự Sơn, Mũi Điện, Gành Đá Đĩa cùng với cảnh phơi cá cơm sấy, nuôi tôm hùm hiện lên vẻ đẹp, nhịp sống biển đảo đầy sắc màu.

Cảnh Sắc Phú Yên qua các ống kính.
Đảo Nhất Tự Sơn (phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu – Phú Yên) huyền ảo trong làn mây lúc 7h. Đây là một trong những đảo đẹp nhất vịnh Xuân Đài, có thiên nhiên đa dạng, với điểm đặc trưng là con đường vượt biển ra đảo dài khoảng 300 m chỉ hiện ra khi thủy triều rút. Ngoài ra, TX Sông Cầu còn có vùng biển đẹp Vịnh Hòa và làng chài Xuân Hải đáng để du khách tham quan. Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Cảnh sắc biển đảo Phú Yên” của nhiếp ảnh gia Lê Chí Trung (1989), hiện công tác tại UBND phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu- Phú Yên
Cảnh Sắc Phú Yên qua các ống kính.
Đến với xã An Hòa Hải, du khách còn được trải nghiệm nghề nuôi tôm hùm trong lồng dọc theo vùng bờ biển. Các lồng nuôi tôm trông giống như bức họa trên biển với góc chụp trên cao.

Cảnh Sắc Phú Yên qua các ống kính.
Vùng biển Hòn Yến còn là nơi ngư dân đánh bắt cá cơm. Trong quá trình ngư dân thả lưới xanh, vây đánh cá trên biển tạo ra các hình dạng “hoa lưới” khác nhau, vẽ nên bức tranh sinh động cho các tay máy sáng tác.

Cảnh Sắc Phú Yên qua các ống kính.
Rêu xanh bám trên các tảng đá, phía xa là quang cảnh hòn Yến (phải) và hòn Đụn (trái), nằm cách bờ khoảng 100 m. Màu xanh da trời cùng màu xanh của nước biển lẫn với màu xanh rong rêu mang đến bức tranh cuốn hút. Hai hòn này nằm trong quần thể Hòn yến thuộc xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa khoảng 20 km, được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia năm 2018. Theo anh Chí Trung, khi thủy triều rút, du khách có thể lội bộ ra hòn tham quan, nhưng lưu ý bên dưới có nhiều đá, khá gập ghềnh. Đặc biệt khi săn ảnh, tránh giẫm đạp lên rạn san hô cạn, sao biển nơi đây.
Người dân phơi cá cơm sấy tại thôn Hòa An, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu. Hòa An phát triển làng nghề hấp sấy cá cơm, hoạt động tập trung từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 3 âm lịch hàng năm, thời điểm cá cơm xuất hiện nhiều. Cá cơm đánh bắt được bán cho các lò hấp sấy thủ công, qua ba công đoạn lựa, hấp và phơi. Sau khi phơi, cá đạt tiêu chuẩn được bán cho thương lái, còn lại làm nước mắm.
Toàn cảnh hành lang bảo vệ bờ biển Phú Yên, địa phận Khu tái định cư Lễ Thịnh, thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Ven biển là hàng trăm tàu thuyền neo đậu, chụp lúc hơn 7h sáng. Cá cơm và tôm hùm giống là đặc sản của làng biển này.
Gành Đá Đĩa, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An huyền ảo lúc rạng đông. Nơi này được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2020. Gành đá này có diện tích khoảng 2 km2, chỗ hẹp nhất 50 m, nơi dài nhất 200 m, hình thành hàng triệu năm trước. Đá ở đây dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác, giống như đĩa xếp chồng lên nhau nên có tên gọi là gành Đá Đĩa. Bao quanh gành đá là bãi cát hình lưỡi liềm dài khoảng 3 km.
Hải đăng Gành Đèn nằm cách Gành Đá Đĩa khoảng 1 km về phía bắc, thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Ngọn hải đăng này có hai màu đỏ, trắng, có độ cao 22 m so với mực nước biển, phát nguồn sáng cho tàu thuyền ra, vào vịnh Xuân Đài. Đứng trên Gành Đèn có thể quan sát vùng biển mênh mông phía đông và cảnh tàu thuyền đánh cá. Với vị trí quan trọng như trên, Hải đăng Gành Đèn là một điểm du lịch hấp dẫn, vừa là “mắt biển”, vừa góp phần quan trọng trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

( Nguồn Vnexpress)