Du Lịch Miền Tây Tình người, tình đất Cồn Sơn
Cồn Sơn (thuộc Q. Bình Thủy, Tp. Cần Thơ), gần bờ Nam sông Hậu có không gian yên tĩnh với bốn bề sông nước. Người Cồn Sơn vẫn giữ nguyên vẻ bình dị, mộc mạc đặc trưng của Nam bộ xưa, đây là nét đặc trưng khiến du khách vô cùng yêu thích khi đến với vùng đất này.
Ở Cồn Sơn, khoảng cách giữa giữa nhà này với nhà kia khá xa vì vậy để đến thăm nhà nhau, người dân vẫn phải đi bộ, xe đạp hoặc đi bằng xuồng, ghe. Ở đây, có những con đường bê tông xen lẫn đường đất và cầu khỉ giữa mướt xanh trên bờ, dưới nước. Vùng đất cồn Sơn còn khá hoang sơ, người dân chân tình, giản dị và mang tính cộng đồng rất cao. Đó chính là sự khác biệt để thu hút khách so với nhiều nơi khác. Tính cộng đồng thể hiện ở chỗ khi khách đến ăn tại nhà dân, nhưng không phải một nhà làm ra đủ các món mà mỗi nhà làm một món rồi mang đến. Đến nay, đã có trên gần 30 gia đình hợp tác với nhau để phát huy thế mạnh từng nhà, phục vụ du khách theo đơn hàng và cam kết không cạnh tranh nhau.
Nghệ nhân bánh dân gian Lê Thị Bé Bảy, một trong những người sáng lập hoạt động du lịch cộng đồng cho biết, Du lịch cồn Sơn là chuỗi mắt xích liên hoàn không thể tách rời, chẳng hạn không thể thiếu cái bè cá của anh Bảy Bon, bánh dân gian bà Bảy Muôn, cá tai tượng của chị Năm… Đến cồn Sơn, du khách hay được ghe câu nói Nam bộ xưa của người dân nơi đây như “í chèn ơi mới qua đó hả, ăn uống gì chưa?”. Một Việt kiều ở California (Mỹ) trong lần đến cồn Sơn khi nghe câu nói này cảm động cho biết, mấy chục năm trở về quê hương mới có lại cảm giác thoải mái, yên bình khi về với ruộng đồng, vườn cây và tình người ở đây. “Đó là cách mình đang bán cảm xúc cho người tiếp nhận. Chính điều đó mới giữ khách đến cồn Sơn”. Nghệ nhân Bé Bảy “kết” câu chuyện về bà Việt kiều và dẫn chứng, Cô Natali người Colombia, hay một anh Việt kiều New Zealand khi đến cồn Sơn du ngoạn và tìm hiểu cuộc sống, trải nghiệm làm bánh, sinh hoạt cùng người dân đã vô cùng thích thú. Sau đó, mỗi lần đi công tác đến Cần Thơ là hai người lại đến cồn, tính ra cũng 5 – 6 lần. “Thiên nhiên cồn Sơn không có vẻ đẹp lộng lẫy và đặc biệt nhưng cái đẹp ở thuộc về tình người đã níu chân du khách đến rồi quay lại nhiều như thế”, nghệ nhân Bé Bảy khẳng định.
Đến thời điểm hiện tại, cồn Sơn vẫn giữ được nét hoang sơ và mộc mạc vốn có. Những chiếc đò ngang dọc, bãi lục bình đầy hoa tím hay những chiếc ghe chèo, xuồng máy đơn sơ. Những lời chào mời đơn giản, cách sống xởi lởi, chan hòa, những câu từ mộc mạc, cách ăn mặc giản dị của những thập niên về trước… Tất cả những điều đó được nghệ nhân Bé Bảy trân trọng, phát huy và hướng dẫn người dân rồi biến thành sản phẩm du lịch để phục vụ du khách đồng thời, giúp cho cồn Sơn có được nét đẹp rất riêng ít nơi nào có được.
Ở vùng sông nước mênh mông, một nơi đầu sóng ngọn gió như cồn Sơn, những người dân có tính cách mộc mạc, chân chất luôn hết lòng tương trợ lẫn nhau. Khi có khách đến, các gia đình sẽ cùng phụ nhau tiếp đón, phục vụ khách bởi bà con nơi đây luôn mong muốn lưu lại những kỷ niệm đẹp với du khách bằng sự chất phác, hồn hậu bằng những trải nghiệm từ cuộc sống, sinh hoạt hàng từ cái bánh dân gian do du khách tự làm, đến trái cây tự hái, con cá tự bắt… Những hình ảnh về cồn Sơn sẽ không bao giờ lẫn với nơi đâu cho dù đồng bằng sông nước miền Tây rộng lớn với cả nghìn cồn lớn, nhỏ gần như giống nhau. Một khách du lịch phương xa đã thốt lên rằng, “ở đây, tôi thật sự hiểu trọn văn minh miệt vườn là như thế nào!”
.Cồn Sơn tiêu biểu cho hệ sinh thái đặc trưng của sông Hậu nên bằng mọi cách phải bảo tồn, giữ cho bằng được đất và người. Ngoài ra, ngay cả người dân trên cồn làm du lịch cũng không nên can thiệp bằng bê tông hóa trên các con đường hay lối vào nhà. Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ đã khẳng định rằng, “…chính sự hoang dã, bùn lầy ở các con đường và những chiếc cầu tre đã tạo nên một cồn Sơn giàu sức sống, thân thiện và chứa chan tình người”.
( Nguồn Báo Du Lịch.Net)
Thông tin Cẩm Nang Điểm Đến hành Trình Ghiền Du Lịch Việt quý khách tham khảo :
1) Website: http://dulichvietnam.pro.vn
2) Fanpages: https://www.facebook.com/GhienDuLichVietNam
3) Nhóm Facebook: https://www.facebook.com/groups/GhienDuLichViet
4) Nhóm Zalo: https://zalo.me/g/csqblu469
5) Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCEik9exw6wBlquLtcCLp41Q
Liên hệ quảng cáo: 0868.997.237 – ghiendulichviet@gmail.com