Trong tâm thức chúng ta, có lẽ ai cũng muốn biết và hiểu thật rõ về quê hương của mình: từ phong thổ, sản vật, đến con người. Bài viết này thử nêu một số địa danh xưa theo phát âm người Việt ở một vài nơi trong tỉnh Ninh Thuận.
1- Ninh Thuận: xuất hiện đầu tiên với tư cách địa danh hành chính là phủ Ninh Thuận vào năm 1832 thời vua Minh Mạng, kéo dài đến năm 1888. Sau đó lập tỉnh Phan Rang, cũng gọi là tỉnh Ninh Thuận cho đến năm 1945. Từ năm 1945 đến năm 1975, vẫn gọi tỉnh Ninh Thuận. Năm 1975, nhập các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng gọi là tỉnh Thuận Lâm. Năm 1976, tách Lâm Đồng, nhập thêm tỉnh Bình Tuy vào Ninh Thuận, Bình Thuận, gọi tên mới là Thuận Hải. Năm 1992, tách Thuận Hải, tái lập lại tỉnh Ninh Thuận cho đến ngày nay.
Thực ra, thời Chúa Nguyễn Phúc Lan lập phủ Diên Ninh năm 1635 có phần đất Ninh Thuận, nhưng chưa gọi tên là Ninh Thuận. Chúa Nguyễn Phúc Lan đã lập đơn vị hành chính ranh giới phía Nam đến sông Dinh Phan Rang, sách Việt Nam quốc hiệu và cương vực, Hoàng Sa – Trường Sa của tác giả Nguyễn Đình Đầu, NXB Trẻ, 2014 ghi: “Nguyễn Phước Lan tức Chúa Thượng (1635 – 1648) tổ chức cai trị và khai khẩn từ núi Đá Bia đến sông Phan Rang hồi 1635″. Nghĩa là đối chiếu thì ranh giới Bắc sông Dinh: địa bàn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, một phần Ninh Sơn hiện nay đã thuộc phía Nam phủ Diên Ninh (nay là Khánh Hòa) dưới sự quản lý của Chúa Nguyễn Phước Lan. Như vậy đến năm 1635 – 1653, vùng đất Bắc sông Dinh trở ra đã thuộc phủ Diên Ninh. Đây là nhận xét từ tư liệu lịch sử lâu nay công trình nghiên cứu hoặc sách lịch sử xuất bản trong tỉnh ít nêu.
Phần phía Nam sông Dinh đến Bình Thuận, Đồng Nai theo các sách của Triều Nguyễn biên soạn như: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên; Đại Nam nhất thống chí, Địa bạ Triều Nguyễn… thì khoảng năm 1693. Vùng Nam Ninh Thuận trở vào Phan Rí, Phan Thiết, Biên Hòa được thiết lập về mặt hành chính vào những năm 1693 – 1697. “Năm Nhâm Thân, Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu thứ 2 (1693)… đổi nước ấy (Chăm) làm trấn Thuận Thành… Năm Đinh Sửu (1697) đặt phủ Bình Thuận, lấy đất phía Tây Phan Rang làm 2 huyện Yên Phúc và Hòa Đa lệ vào, lại đặt dinh Bình Thuận cho trấn Thuận Thành lệ vào; đặt 4 đạo: Phan Rang, Phan Thiết, Ma Li, Phố Hài…” (Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hóa – 2006).
Nghiên cứu, đối chiếu tài liệu lịch sử: Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) vào Nam kinh lý và lập dinh, trấn, phủ những năm 1693 – 1697, đến vùng này lấy đất từ Nam sông Dinh Phan Rang kéo dài đến vùng Nam bộ.
2- Phan Rang: có gốc từ địa danh của người Chăm để chỉ xứ phía Nam vương quốc Chămpa, phiên âm/Latinh hóa là Panduranga, nếu đọc theo phát âm là: [Phan-tù-rang-kà], nhạc sĩ Amư Nhân sáng tác ca khúc có tên Panduranga rất hay. Thời các chúa Nguyễn vùng này gọi các tên khác nhau tùy theo người viết sách, hoặc theo thời gian là: Bang Đồ Long, Phiên Lung, Man Rang, Phan Lung, Phan Lang, Phan Rang.
Trong tác phẩm: Văn học Nam Hà của Nguyễn Văn Sâm có nêu bài vè kể mang tên Hải môn ca, nội dung mô tả hành trình đi về phương Nam bằng đường biển, địa danh Phan Rang xuất hiện:
…Qua Man Rang một nhật trình,
Đến cửa Man Rí thủy hành một ngày,
Phố Hài đây, kìa kìa Cửa Cạn,
Đến Ma Ly phỏng bán nhật trình.
Năm 1697, xuất hiện đầu tiên với tư cách địa danh hành chính: “Năm Đinh Sửu (1697) đặt phủ Bình Thuận, lấy đất phía Tây Phan Rang làm 2 huyện Yên Phúc và Hòa Đa lệ vào, lại đặt dinh Bình Thuận cho trấn Thuận Thành lệ vào; đặt 4 đạo: Phan Rang, Phan Thiết, Ma Li, Phố Hài…” (sách đã dẫn trên). Giai đoạn từ năm 1901 đến năm 1913, tên Phan Rang theo nghĩa là một tỉnh hẳn hoi: tỉnh Phan Rang, trong đó có đạo Ninh Thuận, huyện An Phước và huyện Tân Khai gồm dân tộc thiểu số. Năm 1922 lập lại tên tỉnh Phan Rang, cũng gọi là tỉnh Ninh Thuận đến năm 1945. Về cấp hành chính thị xã Phan Rang được thành lập theo Dụ của vua Khải Định ban hành ngày 4 tháng 8 năm 1917.
Riêng địa danh hành chính thị xã Phan Rang – Tháp Chàm hiện nay đang dùng xuất phát từ: “Tháng 8 năm 1948, vùng 5 được đổi thành thị xã Phan Rang – Tháp Chàm; địa danh Phan Rang – Tháp Chàm chính thức biết đến từ đó”, sách Thành ủy Phan Rang – Tháp Chàm: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (1930 – 2005), xuất bản tháng 4 – 2007.
Từ 1976 đến 1991, khi tỉnh Ninh Thuận hợp nhất với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bình Tuy thành tỉnh Thuận Hải, tỉnh lỵ đóng ở Phan Thiết thì Phan Rang – Tháp Chàm trở thành thị xã thứ 2 thuộc tỉnh Thuận Hải.
Năm 1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, thị xã Phan Rang – Tháp Chàm trở thành tỉnh lỵ tỉnh Ninh Thuận.
Năm 2005, thị xã Phan Rang – Tháp Chàm được công nhận đô thị loại III.
Năm 2007, thành lập thành phố Phan Rang – Tháp Chàm theo Nghị định 21/2007/NĐ-CP ngày 8 tháng 2 năm 2007 của Chính phủ.
Ngày 26 tháng 2 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg công nhận thành phố Phan Rang – Tháp Chàm là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ninh Thuận.
3- Cửa biển Đầm Nại: (vùng biển Ninh Chử thuộc huyện Ninh Hải ngày nay), ngày xưa gọi là cửa biển Ma Văn, bắt nguồn từ tên gọi xưa là đầm Hương Cựu đổ ra biển.
4- Cửa biển Phan Rang: cửa biển từ sông Dinh đổ ra cửa Đông Hải, bây giờ gọi cửa biển Đông Hải, thời xưa gọi là cửa biển Phan Rang, phía Bắc cửa biển này khoảng 1km gọi là Vũng Tàu, cũng như nguyên khởi của thành phố Vũng Tàu hiện nay.
5- Sông Dinh: chảy ngang qua phía Nam thành phố Phan Rang: ngày xưa gọi là sông Phan Rang, còn có tên sông Mai Lang, Mai Nương, Mai Lung. Có thuyết cho rằng sông Dinh bắt nguồn từ tên gọi Krông Pinh của người Chăm, gọi là phố, tôi chưa chắc chắn lắm.
6- Phương Cựu: thuộc xã Phương Hải, huyện Ninh Hải ngày nay, ngày xưa gọi là làng Hương Cựu, cũng gọi là làng Đăng, sát đầm Hương Cựu, nay gọi Đầm Nại.
7- Tri Thủy: thuộc xã Tri Hải, huyện Ninh Hải ngày nay: ngày xưa gọi là làng Truy Thủy, sau phát âm thành Tri Thủy, (tương tự thôn Vi Dã ở Huế phát âm thành thôn Vỹ Dạ).
8- Núi Cà Đú: (phía Bắc Phan Rang) có gốc từ địa danh chơk Du’ (nghĩa là núi hình con vích) của người Chăm. Dựa theo hình thể nếu nhìn từ phía Bắc vào núi Cà Đú rất giống con vích, con rùa, từ đó đặt tên theo hình con vật.
9- Ninh Chử: lâu nay chúng ta quen viết: biển Ninh Chữ (dấu ngã) ở Phan Rang. Thực ra thời vua Minh Mạng, khi thực hiện tổng điều tra đất đai, ruộng vườn (gọi là địa bạ triều Nguyễn) cả nước vào năm 1836, trong tỉnh Ninh Thuận có các làng sau đây có ghi chép chữ thứ 2 là Chử (dấu hỏi = ?): Hải Chử, Ninh Chử, nay vẫn còn tên gọi, La Chử (có thể liên quan làng La Chử ở Huế) và Minh Chử, là vùng phía Tây Bắc làng Hữu Đức, phía Nam làng Như Bình, ngày nay không còn dùng. Trước 1975 đều ghi Ninh Chử dấu hỏi. Nguyên nghĩa như sau, vùng biển này luôn sóng êm, yên lặng, có bờ cát đẹp, người xưa thấy biển bờ thanh bình, đẹp đẽ nên đặt tên: Ninh = thanh bình, yên bình; Chử = bờ biển/bãi sông, (trong bộ Chử Đồng Tử, người con trai ở bãi sông, bãi cát).
10- Núi Chà Bang: có gốc từ địa danh người Chăm gọi là chơk Chabbang (núi chẻ nhánh đôi). Dựa theo hình thể đỉnh núi chẻ đôi như cái nhánh đôi để đặt tên, nhưng thú vị nhất là từ hình dáng tự nhiên lại liên quan một truyền thuyết Kay Kamau, dũng sĩ dân tộc Raglai, chỉ vì tức giận Pô Nai, nữ thần người Chăm, từ bỏ tình yêu với Kay Kamau, lên núi này tu, nên dũng sĩ đã bắn tên thần vào núi, đá đỉnh núi nứt làm hai. Nay trên đỉnh núi có tượng linga thờ Pô Nai.
( NGUỒN SƯU TẦM )